HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ: Điểm tựa vững chắc cho thành viên

Tại xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), trong thời gian qua, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ đã phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ nông dân trong quá trình vươn lên phát triển kinh tế, là HTX kinh doanh đa dịch vụ, đa ngành, đa lĩnh vực.

Mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ tại HTX

Đặc biệt sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ đã cơ cấu lại tổ chức, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; từng bước phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng không ngừng tăng lên. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; giá trị trên một đơn vị diện tích tăng lên.

Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với tiêu thụ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là sử dụng các loại giống mới có hiệu quả, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn hợp tác với doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống, mía nguyên liệu và cỏ phục vụ chăn nuôi.

Thu nhập bình quân của thành viên trong HTX từ 17,2 triệu đồng (năm 2012) đã tăng lên 35 triệu đồng (năm 2018). Sau nhiều năm, bà con nông dân đã đưa giống lúa lai vào sản xuất trên 50% diện tích, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nhiều năm qua, năng suất lúa tại HTX luôn đạt bình quân từ 65 đến 72 tạ/ha. HTX giúp các thành viên giảm chi phí đầu vào cho sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho các thành viên và nông dân, hạn chế được tình trạng bị ép giá bán đầu ra.

HTX còn liên kết xây dựng cánh đồng lớn kết hợp sản xuất giống để thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm cho thành viên theo Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả khá rõ rệt, năng suất tăng 10 – 20 tạ/ha, giá trị tăng thêm từ quy đổi giữa thóc thịt và thóc giống là 25% và tăng 1,8 lần so với giá trị sản xuất nguyên liệu; sản lượng tiêu thụ trên 3.000 tấn lúa giống; gần 10.000 tấn mía nguyên liệu; 941,72 tấn cỏ.

HTX đã xây dựng phương án và triển khai sản xuất 3,4 ha rau, củ, quả an toàn theo hướng hữu cơ, chú trọng sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh có nguồn gốc phụ phẩm tự nhiên, toàn bộ diện tích phủ màng để hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức bằng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel và sử dụng các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, công nghệ nano, đảm bảo thời gian cách ly trong quá trình canh tác; đồng thời sử dụng lưới chắn côn trùng, chế phẩm nấm đối kháng ủ với phân chuồng…

Mô hình mang lại lợi nhuận 200 – 250 triệu/ha/năm, cao gấp 5 – 6 lần so với cây mía trên cùng diện tích, góp phần tạo việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên ở địa phương.

Thành Trung